Bệnh cao huyết áp
Huyết áp là gì?
Huyết áp là áp lực máu cần thiết tác động lên thành động mạch nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Vậy, huyết áp là thứ phải tồn tại đương nhiên trong cơ thể con người giống như áp lực nước trong lòng mương, ống nước…
Huyết áp thể hiện bằng hai chỉ số:
- Huyết áp tối đa (còn gọi là huyết áp tâm thu hoặc ngắn gọn là số trên), bình thường từ 90 đến 139 mm Hg (đọc là milimét thuỷ ngân).
- Huyết áp tối thiểu (còn gọi là huyết áp tâm trương hoặc ngắn gọn là số dưới), bình thường từ 60 đến 89 mm Hg.
Mỗi người phải luôn biết và nhớ hai chỉ số huyết áp của mình!
Tăng huyết áp là gì?
Huyết áp tăng dần theo tuổi nhưng khi tăng tới mức gây nguy hại cho cơ thể mà ở mức này việc chữa trị có lợi hơn là hại thì gọi là tăng huyết áp.
Tất cả sách giáo khoa và các hướng dẫn điều trị tăng huyết áp trên thế giới đều chọn ngưỡng gọi là tăng huyết áp đối với người từ 18 tuổi trở lên là khi người đó có ít nhất một trong hai số huyết áp sau: (1) huyết áp tối đa >/= (đọc là lớn hơn hoặc bằng) 140 mm Hg và (2) huyết áp tối thiểu >/= 90 mm Hg. Như vậy, nếu con số huyết áp là 150/80, 130/100 hoặc 150/90 mm Hg sau nhiều lần đo thì gọi là tăng huyết áp.
Một cách đầy đủ, tăng huyết áp là một hội chứng tim mạch tiến triển được khẳng định khi: (1) huyết áp đo tại cơ sở y tế >/= 140/90 mm Hg hoặc khi đo tại nhà và khi theo dõi huyết áp lưu động 24 giờ >/= 135/85 mm Hg hoặc (2) huyết áp không tăng nhưng có bằng chứng tăng huyết áp như đang dùng thuốc hạ huyết áp hoặc có biến chứng như bệnh tim do tăng huyết áp, tai biến mạch máu não.
Từ gọi thông dụng nhưng không đúng.
Các vùng miền có các cách gọi khác nhau về tăng huyết áp như tăng xông, cao máu, lên máu, cao áp huyết.
Tăng huyết áp có triệu chứng không và nguy hiểm như thế nào?
Triệu chứng.
Phần lớn tăng huyết áp không có triệu chứng. Các dấu hiệu nhức đầu, chóng mặt, choáng váng, buồn nôn, mửa, mỏi mệt…không phải là biểu hiện chỉ của mỗi tăng huyết áp.
Khi có triệu chứng tăng huyết áp, thường lúc này đã là biến chứng hoặc tình trạng tăng huyết áp đã nặng.
Mối nguy hiểm.
Tác hại của tăng huyết áp (biến chứng tăng huyết áp) xảy ra chủ yếu ở tim, não, thận, mắt, mạch máu.
1. Tại tim, tăng huyết áp gây:
§ Tim lớn (lâu ngày gây suy tim).
§ Bệnh mạch vành gồm thiếu máu cơ tim im lặng, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim và đột tử do tim.
|
Hình 2. Biến chứng nhồi máu cơ tim do tăng huyết áp (nơi có mũi tên) |
2. Tại não, tăng huyết áp gây:
§ Cơn thiếu máu não thoáng qua.
§ Suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ.
§ Đột quỵ (tai biến mạch máu não) gồm nhồi máu não (nhũn não) và xuất huyết não (chảy máu não, đứt mạch máu não).
§ Bệnh não do tăng huyết áp (nôn mửa, chóng mặt, co giật, hôn mê…).
|
Hình 3. Tắc hoặc vỡ bất cứ mạch máu não nào đều là một trong những biến chứng của tăng huyết áp tại não. |
3. Thận: gây bệnh thận giai đoạn cuối và cuối cùng là suy thận.
|
Hình 4. Tổn thương mạch máu thận, cuối cùng gây bệnh thận giai đoạn cuối do tăng huyết áp (chỗ có mũi tên). |
4. Mắt: gây mờ mắt, mù gọi là bệnh lý võng mạc do tăng huyết áp.
|
Hình 5. Bệnh võng mạc do tăng huyết áp, hậu quả là mù (chỗ có mũi tên). |
5. Mạch máu: tăng huyết áp gây phồng lóc động mạch chủ, vữa xơ động mạch, viêm tắc động mạch chân.
|
Hình 6. Động mạch xơ cứng, dày lên do tăng huyết áp, hậu quả là huyết áp càng tăng… (chỗ có mũi tên). |
Tất cả biến chứng này: (1) về mặt sức khỏe làm bệnh nặng dần, tàn tật nhiều (62% đột quỵ và 49% đau thắt ngực do tăng huyết áp) và gây chết hoặc đột ngột hoặc từ từ hoặc chết sớm (tăng huyết áp gây giảm thọ từ 10 đến 20 năm); còn (2) về mặt tài chính thì làm tăng chi phí.
Tại sao gọi tăng huyết áp là "Kẻ giết người thầm lặng"?
Tiến triển tự nhiên tăng huyết áp như sau: vào độ 10-30 tuổi, huyết áp bắt đầu tăng, đầu tiên là tăng cung lượng tim, dần dần tăng huyết áp sớm vào tuổi 20-40 (lúc này lực kháng ở mạch máu ngoại vi nổi trội, có cơn huyết áp tăng nhưng người bị không biết) rồi đến tăng huyết áp thực sự ở tuổi 30-50 và cuối cùng là tăng huyết áp có biến chứng vào độ 40-60 tuổi. Tăng huyết áp tiến triển âm thầm trong 15-20 năm đầu; người bị tăng huyết áp vẫn sống và làm việc bình thường trong khi bệnh đang huỷ hoại cơ thể dần dần, gây ra cái chết gặm nhấm, cái chết huỷ hoại hoặc cái chết tức tưởi. Do đó, các nhà tim mạch học gọi tăng huyết áp là kẻ giết người thầm lặng.
Nguyên nhân tăng huyết áp
1. Tăng huyết áp không rõ nguyên nhân (còn gọi là tăng huyết áp vô căn hoặc tiên phát, nguyên phát): 90%-95%.
2. Tăng huyết áp có nguyên nhân (tăng huyết áp thứ phát, mắc phải): 5%-10%.
Điểm khác biệt là tăng huyết áp có nguyên nhân thì chữa triệt để được, ví dụ tăng huyết áp do hẹp động mạch thận thì sau khi nong động mạch hẹp, huyết áp bình thường trở lại, không phải uống thuốc lâu dài.
Phát hiện tăng huyết áp như thế nào?
Chỉ bằng cách đi khám và đo huyết áp tại các cơ sở y tế.
|
Hình 7. Đo huyết áp tư thế ngồi bằng huyết áp kế thuỷ ngân hiện nay là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán tăng huyết áp. |
Thông thường phải qua vài đợt khám trong 1-2 tháng mới xác định được tăng huyết áp bởi gắn một chẩn đoán tăng huyết áp cho một người đồng nghĩa gắn một trách nhiệm sức khoẻ suốt đời cho người đó.
Đo huyết áp ít nhất mỗi năm một lần khi bình thường và khi cảm thấy trong người khó chịu như chóng mặt, nhức đầu không giải thích được, uể oải.
Những ai dễ bị tăng huyết áp?
Đó là người:
- Tuổi càng cao càng dễ bị tăng huyết áp: 3,3% ở độ 18-29 tuổi; 13,2% ở độ 30-39 tuổi; tăng dần đến 51% ở độ 60-74 tuổi; trung bình cứ tăng 10 tuổi thì tỷ lệ tăng huyết áp 5%.
- Nam giới hoặc phụ nữ sau mãn kinh.
- Có cha mẹ, anh chị em ruột bị tăng huyết áp.
- Uống rượu nhiều: ai uống hơn 60 g cồn mỗi ngày thì bị dễ tăng huyết áp gấp 1,5 lần người không uống.
- Béo phì.
- Người mắc một số bệnh nội khoa như rối loạn mỡ máu, đái tháo đường týp 2, hội chứng chuyển hoá.
Chữa trị tăng huyết áp như thế nào?
Hai biện pháp: không dùng thuốc và dùng thuốc.
1. Biện pháp không dùng thuốc, gọi là thay đổi lối sống.
§ Bỏ hoặc không hút thuốc lá:
§ Ăn thanh tịnh: ăn lạt, ăn nhiều rau, ăn đủ lượng kali, ăn nhiều cá, ăn ít mỡ động vật.
|
Hình 8. Để phòng chống tăng huyết áp và khoẻ mạnh, nên ăn nhiều rau, cá. |
§ Uống rượu bia ít và điều độ.
§ Giữa cân nặng chuẩn.
§ Rèn luyện thể lực mức độ trung bình: mỗi ngày 30-45 phút, tuần 180 phút như đi bộ nhanh (7 km/giờ), đi xe đạp nhanh, chạy, chơi bóng bàn.
|
Hình 9. Đi bộ nhanh, một cách phòng chống tăng huyết áp đơn giản và hiệu quả. |
§ Giữ bình thản.
Biện pháp thay đổi lối sống do người bệnh thực hiện.
2. Biện pháp dùng thuốc.
Hiện nay có khoảng 300 loại thuốc chữa tăng huyết áp khác nhau và thầy thuốc sẽ căn cứ bệnh trạng cụ thể mà lựa chọn thuốc phù hợp nhất cho từng người. Mỗi viên thuốc có một số phận! Người bệnh không nên ỷ lại vào thuốc mà xem nhẹ hiệu quả thay đổi lối sống.
Biện pháp dùng thuốc do thầy thuốc đảm nhận, người bệnh tuyệt đối không tuỳ tiện điều chỉnh!
Biện pháp không dùng thuốc là cách thức chữa trị đầu tiên, bổ trợ và song hành với cách chữa bằng thuốc.
Nơi chữa trị.
Do tính chất mạn tính, tốt nhất người bệnh nên chữa trị tại nơi mình cư trú. Đợt cấp thời, người bệnh chữa trị nội trú tại các cơ sở y tế chuyên khoa; sau đó tiếp tục chữa trị ngoại trú.
Lợi ích và thời gian chữa trị?
Chữa trị làm giảm tối đa các biến chứng do tăng huyết áp, giảm chi phí và kéo dài tuổi thọ. Chữa trị càng sớm càng tốt!
Chữa trị tăng huyết áp là lâu dài.
Không có khái niệm khỏi bệnh tăng huyết áp trừ phi những tăng huyết áp thứ phát như tăng huyết áp do hẹp động mạch thận, nong được động mạch hẹp thì hết tăng huyết áp.
Liệu chữa khỏi tăng huyết áp không?
Chỉ có khái niệm đã khống chế được tăng huyết áp vì đây là bệnh kéo dài trừ phi tăng huyết áp mắc phải thì chữa khỏi.
Khi nào huyết áp xuống tới mức an toàn?
Khi con số tăng huyết áp < (đọc là nhỏ hơn) 140/90 mm Hg thì gọi là điều trị ổn, lúc này mối nguy hiểm đã giảm nhiều. Ngưỡng này cao thấp tuỳ bệnh kèm theo cụ thể, ví dụ đái tháo đường và bệnh thận giai đoạn cuối thì ngưỡng an toàn là <130/80 mm Hg.
Làm sao để chữa trị tăng huyết áp đạt mức tối ưu.
Kiên trì thay đổi lối sống và tuân thủ thầy thuốc!
Hãy hỏi thầy thuốc khi có bất cứ thắc mắc và khó chịu nào về bệnh tật. Liên tục tìm hiểu về tăng huyết áp để việc chữa trị tốt hơn (qua thầy thuốc, phương tiện truyền thông: sách báo, tivi, đài). Người bệnh và thầy thuốc thân tình với nhau thì việc khống chế tăng huyết áp tốt hơn.
Nhưng sai lệch thường gặp trong khi chữa trị tăng huyết áp
1. Không chữa trị.
2. Tự chữa trị:
§ Tự mua thuốc.
§ Chữa theo lời bày biểu.
§ Dùng thuốc nam, thuốc không rõ nguồn gốc và tính xác thực.
3. Chữa trị không chuẩn mực:
§ Dùng đơn thuốc cũ.
§ Mượn và cho mượn đơn thuốc.
§ Ngưng thuốc khi cảm giác khoẻ hoặc cho rằng bệnh đã khỏi.
§ Tự dùng thuốc khi thấy: mệt, chóng mặt hoặc huyết áp "lên".
Hậu quả của những sai lệch này là:
1. Người bệnh ngộ nhận là mình đang được chữa trị đúng cách.
2. Tạo ra bệnh do thuốc như tai biến do thuốc
Hệ luỵ là tăng huyết áp ngày càng nặng nề, chết người, phí tổn và mất lòng tin ở tiến bộ y học tim mạch.
Phòng ngừa tăng huyết áp
Thực hiện lối sống khoẻ mạnh.
Mỗi người, hàng năm hãy đi đo tăng huyết áp ít nhất một lần và nhớ con số tăng huyết áp của mình!
Tóm lại, tăng huyết áp là bệnh lý rất phổ biến, tiến triển âm thầm và liên tục, rút ngắn tuổi thọ 10-20 năm, gây chết người. Việc chữa trị là lâu dài, hiệu quả, an toàn và tiết kiệm nhất.
Các nhóm thuốc thường dùng trong bệnh cao huyết áp
1. Thuốc lợi tiểu nhóm thiazide: các loại như hydrochlorothiazide (tên thương mại thông dụng là Apo-hydro 25 mg) và indapamide 1,5 mg (Natrilix SR 1,5 mg).
2. Thuốc ức chế thụ thể giao cảm bêta: các loại thường dùng như atenolol (tên thương mại thông dụng là Atenolol®Stada 25 mg), bisoprolol 5 mg, carvedilol 12,5 mg.
3. Thuốc ức chế men chuyển dạng angiotensin: như captopril (tên thương mại thông dụng là Captopril, Captopril ®Stada 25 mg), enalapril (Enalapril ®Stada 10 mg), perindopril (Coversyl 4 mg).
4. Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II: như losartan 25 mg, telmisartan 40 mg.
5. Thuốc chẹn kênh canxi tác dụng kéo dài: như amlodipin Amlodipin®Stada 10 mg), nifedipine 30 mg.
Phải làm gì khi thấy cơ thể bất an?
Hãy hỏi thầy thuốc mà mình tin tưởng. Tuyệt đối không tự ý điều chỉnh như ngừng thuốc, tăng thuốc.
Mong rằng người đọc thấy được tăng huyết áp nguy hiểm như thế nào và dũng cảm chữa trị để sống yên vui hơn, kéo dài tuổi thọ, chứng kiến con cháu thành đạt. Với người khoẻ mạnh, hàng năm hãy đi đo tăng huyết áp và nhớ con số huyết áp của mình.
Những vướng mắc có thể xảy ra
Bệnh biểu hiện ra làm sao? | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Gầy mà sao cũng bị tăng huyết áp? | Tăng huyết áp là bệnh chưa rõ nguyên nhân, do nhiều yếu tố phức tạp chi phối; vì vậy, mập thì dễ bị nhưng gầy vẫn mắc tăng huyết áp như thường, không phải “dư máu” thì mới bệnh đâu. | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Tăng huyết áp là bệnh lây hay là di truyền? | Tăng huyết áp là bệnh “lây” từ đời sống hiện đại, đây là “cái giá phải trả” của nền văn minh. Bệnh có căn nguyên di truyền khoảng 30%; ai có cha, mẹ hoặc cả hai bị tăng huyết áp thì khả năng bị bệnh này cao gấp đôi người có cha mẹ bình thường. | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Tăng huyết áp có thực sự là “thầm lặng” không? | Thực tế, tăng huyết áp có gây nhức đầu vùng chẩm lúc mới ngủ dậy, sau vài giờ thì tự hết-đây là dấu hiệu tăng huyết áp sớm nhất; các dấu hiệu khác có thể là chóng mặt, choáng váng, khó ngủ, lừng khừng, mệt mỏi, liệt dương (chiếm 10% đàn ông tăng huyết áp). Tuy nhiên, đây không phải là dấu hiệu chỉ có trong tăng huyết áp mà còn gặp ở vô số bệnh khác; vì vậy, phải khẳng định rằng tăng huyết áp tiến triển thầm lặng và lúc người bệnh biết tăng huyết áp thì thường đã nặng hoặc có biến chứng. | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Thế nào là tăng huyết áp? | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Con số huyết áp tối ưu? Tăng huyết áp một số, tăng hai số là ra làm sao? Huyết áp độ 1, độ 2 là thế nào? | Huyết áp tối ưu là <115/75 mm Hg. Tăng huyết áp một số là chỉ tăng huyết áp tối đa hoặc tối thiểu mà thôi còn tăng hai số là tăng cả tâm thu lẫn tâm trương.
| |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Có thể tự mình chẩn đoán được tăng huyết áp không? | Được, với điều kiện có y cụ chuẩn, đã tập huấn đo, tuân thủ quy trình đo. | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Sao khám tăng huyết áp mà lâu lỉ thế? | Khi khám bệnh nhân tăng huyết áp, nhất là lần khám đầu tiên, bác sỹ phải làm các công việc sau: (1) khẳng định có tăng huyết áp hay không?; (2) hỏi kỹ quá trình bệnh, cha mẹ, các thói quen ăn uống, sinh hoạt, công việc để tìm các thứ mà y học gọi là yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp; (3) truy tìm bằng chứng tác hại do tăng huyết áp, y học gọi là tổn thương cơ quan đích, thông qua khám tim; đo vòng bụng, cân nặng; soi đáy mắt và các xét nghiệm như đo điện tim, mỡ máu, creatinin máu, đạm trong nước tiểu rồi siêu âm tim, mạch; (4) tìm xem tăng huyết áp này có nguyên nhân hay không và (5) nói cho người bệnh về bệnh và cách chữa trị, gọi mỹ miều là giáo dục sức khoẻ. | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Chữa thì được gì? | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Chữa tăng huyết áp thì khác gì cụ thể so với không chữa? | Trước hết, phải khẳng định rằng không chữa thì chết đột ngột, chết sớm hoặc chết từ từ; tất cả đều tốn kém và vô ích (một ca nong vành do biến chứng tăng huyết áp hiện nay ước tính 30-50 triệu đồng và sau đó vẫn phải tiếp tục chữa tăng huyết áp). Khi hạ huyết áp xuống được ngưỡng an toàn thì: (1) giảm được đột quỵ 35%-40%; (2) giảm nhồi máu cơ tim 20%-25%; (3) giảm suy tim >50% và giảm tử vong 14% chết do đột quỵ và 26% chết do bệnh mạch vành. Thậm chí, chỉ cần giảm 5 mm Hg huyết áp tâm trương trong cộng đồng thì giảm được 14% tử vong chung do đột quỵ, 9% tử vong do bệnh mạch vành và 7% chết do mọi nguyên nhân. | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Cách chữa tăng huyết áp. | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Sao bắt ăn nhạt, khổ thế? Lượng muối thực sự cần hàng ngày là bao nhiêu? | Ăn mặn thì dễ bị tăng huyết áp; ăn lạt thì giúp điều trị tăng huyết áp dễ dàng hơn-đây là một trong những cách gọi mỹ miều là thay đổi lối sống. Thực ra, mỗi ngày cơ thể người lớn chỉ cần 0,5 g muối biển (một muỗng canh tương đương 6 g muối). Nên ăn < 6 g muối mỗi ngày. Ăn lạt dần dà sẽ quen và còn thấy thú nữa, đã không “khát nước” mà còn đỡ tốn tiền thuốc! Bản thân thực phẩm tự nhiên đã có muối; vậy, để ăn lạt hiệu quả thì chớ nêm, chớ thêm mắm, nước chấm, thậm chí bột ngọt trong bữa ăn. | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Tôi có sao đâu mà phải uống thuốc? | Bệnh vốn thầm lặng, thấy “bình thường” nhưng cơ thể thì không bình thường. Dùng thuốc trong tăng huyết áp là “lợi ích nhãn tiền”. | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Chỉ chữa tăng huyết áp khi lên cơn thôi chứ! | Sai! Khi có cơn tăng huyết áp, tức thường là bệnh đã để trễ (có 7% cơn tăng huyết áp xảy ra ở người không biết mình bị tăng huyết áp trước đó). Chữa tức thời chỉ là giảm biến chứng cấp thôi, sau đó là phải chữa trị lâu dài. | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Bệnh tôi khỏi rồi, không phải uống thuốc nữa! | Không có khái niệm khỏi! Đúng là sau vài tuần dùng thuốc, người bệnh cảm giác khoẻ khoắn nhưng nếu ngưng thuốc thì trước sau gì huyết áp cũng tăng trở lại, đó là chưa kể các mối hại do hành vi nguy hiểm này gây ra. | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Đó chỉ là thuốc lợi tiểu, không phải thuốc hạ huyết áp! | Không đúng. Gọi là thuốc lợi tiểu là theo cách thuốc tác động lên cơ thể. Thực ra, thuốc lợi tiểu chữa tăng huyết áp rất hợp lý về độ an toàn, tính hợp tác với thuốc chữa tăng huyết áp khác và giá thành. Đây là nhóm thuốc được cổ xuý dùng, nhất là với người chật vật tiền nong. | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Huyết áp tôi lên thì tôi cần phải uống thuốc gì? | Thứ nhất, phải đo chính xác xem có lên thực sự hay không? Thứ hai, phải thông báo ngay với bác sỹ của mình con số huyết áp để họ giúp giải quyết. Thứ ba là đừng quá lo nếu huyết áp xê dịch chút ít mà cơ thể vẫn bình thường. Chỉ nên lo và xử lý ngay khi con số >/= 220/110 mm Hg; lúc này, có thể ngậm dưới lưỡi 12,5-25 mg captopril (mua theo đơn từ trước, ½ -1 viên captopril 25 mg) và sau đó gọi cho bác sỹ. | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Tại sao chỉ có uống mà không tiêm thuốc cho nhanh? | Thuốc chủ lực điều trị tăng huyết áp là thuốc uống và uống ít lần, tí thuốc thì càng tốt; chỉ khi cấp cứu cơn tăng huyết áp thì mới tiêm. Chữa tăng huyết áp là cách chữa “chậm mà chắc”! | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Uống hoài thì lờn thuốc, sau lấy gì chữa? | Đúng là có thuốc bị lờn như thuốc lợi tiểu nhưng đã có cách khắc phục; hơn nữa, y học tiến bộ từng sát na, đừng lo lắng kéo huyết áp lại lên! | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Uống thuốc hạ huyết áp nhiều quá lỡ nó tuột luôn thì sao? | Không tuột đâu, yên tâm. Nhờ thuốc uống hàng ngày mà huyết áp giảm xuống mức an toàn và giữ ổn định với lượng thuốc bác sỹ kê cho uống. Không uống thuốc thì ngược lại là đằng khác! | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Thuốc này hay lắm, uống đi! | Mỗi người thích hợp với một loại thuốc, chả ai giống ai cả, cứ xem chuyện vợ chồng mà so sánh. Xin chớ bày biểu! | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Tôi có bị nhiễm mỡ máu đâu mà bác sỹ cho tôi uống mỗi chiều một viên? | Các nghiên cứu hiện nay chứng minh việc dùng thuốc chống mỡ máu (cụ thể là nhóm statin như atorvastatin, simvastatin) cho người bệnh tăng huyết áp là có lợi, giúp chữa trị và phòng ngừa biến chứng tăng huyết áp tốt hơn. việc thầy thuốc dùng là đúng, xin đừng nhìn vào chỉ số mỡ máu mà nghi ngờ năng lực thầy thuốc! | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Tuyệt đối không được uống rượu bia khi bị tăng huyết áp! | Không đúng. Vẫn làm một xị đế được nếu huyết áp đã ổn định (tính ra bia là 720 mL, rượu vang là 300 mL). Như vậy, vị nào có bạn nhậu thì yên tâm không bỏ hoặc mất bạn! | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Ăn nhiều rau, khổ thế; đi tu quách! Hiệu quả thay đổi lối sống thế nào? | “Bệnh từ miệng sinh ra” rất đúng với tăng huyết áp. Thời nguyên thuỷ, không có tăng huyết áp. Đây là căn bệnh của thời đại! Không dễ tu đâu, phải có “duyên” cơ. Ăn nhiều rau giảm được 8-14 mm Hg, không những đỡ tốn tiền thuốc mà còn giảm mắc “bệnh thức ăn” nữa, một công đôi chuyện, rất tuyệt! Với người béo, ước tính giảm mỗi một kg cân nặng thì giảm được 0,32 mm Hg. Ăn lạt giảm được 2-8 mm Hg. Giảm uống rượu thì huyết áp giảm 2-4 mm Hg. Tập thể dục điều độ giảm được 5-15 mm Hg. Cứ so sánh, giảm được 2 mm Hg thì khả năng đột quỵ giảm 15% và bệnh mạch vành giảm 6% thì thấy cách thay đổi lối sống rất đáng quý! | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Chỉ số khối cơ thể là gì? | Chỉ số khối cơ thể là một cách đánh giá tình trạng sức khoẻ dinh dưỡng và tim mạch, tính như sau: lấy số kilogam cân nặng chia cho số mét chiều cao, rồi lại chia chia tiếp lần nữa; đơn vị là kg/m2. Bình thường là 18,5-25,49 kg/m2, dưới con số 18,5 kg/m2 gọi là gầy còn trên 25,49 kg/m2 gọi là béo. | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Sao huyết áp lâu hạ thế? | Phải 2-4 tuần mới nâng liều thuốc lên được gấp đôi và phải 3-6 tháng thì mới hy vọng hạ được huyết áp xuống mức an toàn. Hãy kiên nhẫn! | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Vậy, đã chữa tăng huyết áp sao vẫn bị biến chứng? | Đi ôtô, đã lật xe thì thường bị nặng, có khi chết; đi xe đạp, đã té thì nặng lắm là gãy tay; đi bộ mà vấp thì cũng trầy xước. Chữa tăng huyết áp giống đi bộ vậy; có uống thuốc thường xuyên thì giảm tối đa khả năng biến chứng chứ không thể loại bỏ hoàn toàn. Có gì trên đời tuyệt đối đâu? | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Thuốc gây khó chịu gì? | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Khó chịu với thuốc quá, bỏ thôi! | Đúng, đây gọi là tác dụng phụ, nặng hơn là tác dụng bất lợi của thuốc nhưng hãn hữu mới bị và chỉ một thời gian là hết khó chịu. Thuốc gây khó chịu nhất là thuốc ức chế men chuyển dạng angiotensin (như captopril, enalapril), gây ho 12,7% tổng số người dùng; tiếp theo là thuốc đối kháng kênh canxi (như amlodipin, felodipin) gây giãn mạch. Khi khó chịu với thuốc quá, hãy báo để bác sỹ điều chỉnh kịp thời. Ăn tiệc có bữa bị tiêu chảy thế có ai kêu ca nhiều và đòi bỏ tiệc tùng đâu? | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Thuốc tây nóng, dùng thuốc nam thôi! | Đúng là thuốc tây “nóng” như gây giộp lưỡi, biếng ăn, lạt miệng, đầy bụng…những khó chịu này rồi sẽ hết sau vài tuần và người bệnh sẽ quen, giống như lúc mới đầu ăn lạt vậy. Hãy bình tĩnh cân nhắc lợi hại! Thuốc nam có thể làm giảm huyết áp tức thời chút ít, làm dễ chịu nhưng không giữ được huyết áp ở mức an toàn đâu. Đừng kỳ vọng vào thuốc “gia truyền”! | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Các thuốc “đánh” nhau trong cơ thể. | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Bị tăng huyết áp, lỡ bị cảm thì dùng vài viên cảm cúm được chứ? | Được nhưng phải thận trọng! Các thuốc chữa cảm hiện nay thường có thành phần gây phản ứng ngược lên cơ thể người bị tăng huyết áp, gây hại. Nên thông báo cho người bán thuốc chứng tăng huyết áp của mình; không ngoan là đi khám, chắc không phải mất thêm phí khám cảm cúm đâu! | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Theo dõi tăng huyết áp. | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Huyết áp ở nhà đo khác, ở chỗ bác sỹ đo khác? | Đúng vậy, đo ở chỗ bác sỹ cao hơn; thậm chí có 20% bị tăng huyết áp tại chỗ bác sỹ nhưng thực tế thì không tăng huyết áp, trường hợp này gọi là tăng huyết áp áo choàng trắng. Ngược lại, có khi đo ở chỗ bác sỹ thấp mà về nhà thì huyết áp đo cao, gọi là tăng huyết áp ẩn giấu-khái niệm còn khá mới với thế giới và Việt Nam. | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Nên chọn loại huyết áp kế nào để tự đo huyết áp? | Chọn loại bán tự động đo ở cánh tay. Hiện nhiều chỗ bán máy nhưng sai đúng thì chả ai kiểm định; các máy sau dùng tốt: Omron HEM-705 CP, Omron HEM-722 C, Omron HEM-735 C, Omron HEM-713 C, Omron HEM-737 Intellisens, Omron M4, Omron MX2. | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Tư thế đo huyết áp? | Đứng, ngồi hoặc nằm gì cũng được nhưng nên chọn một tư thế mà thôi. Cho dù tư thế nào thì đoạn cánh tay có băng quấn huyết áp phải đặt ngang mức tim. | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Nên tin tưởng con số huyết áp đo tại nhà hay là đo ở chỗ bác sỹ? Số nào cao hơn? | Máy chuẩn, đo chuẩn thì đều tin tưởng. Huyết áp đo tại nhà thấp hơn đo tại cơ sở y tế trung bình là 13/7 mm Hg (nghĩa là số trên thấp hơn 13 mm Hg còn số dưới thấp hơn 7 mm Hg). | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Tại sao cùng là tăng huyết áp mà ông bác sỹ nói khác, bà y tá lại nói khác? | Không ai nói khác cả mà tại cái “sự học” và “thời gian quý báu” dành cho người bệnh thôi. Hãy mạnh dạn hỏi người có trách nhiệm chuyên môn cao nhất! | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Tiền thuốc | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Nhiều tiền quá, lấy gì chữa đây? | Xe máy Trung Quốc không bền nhưng hiện nay rất thông dụng vì tiện, rẻ. Thuốc chữa bệnh tăng huyết áp cũng vậy, có khi chỉ cần 2-3 ngàn mỗi ngày là thầy thuốc tâm huyết có thể lựa được thuốc cho người bệnh. Hãy tin tưởng lương tri thầy thuốc! | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Thà chết còn sướng hơn! | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Ôi, chữa tăng huyết áp khổ sở quá, để chết quách! | Cuộc sống vốn đầy bí ẩn! Sinh lão bệnh tử là quy luật. Chúng ta không chịu trách nhiệm trước khi sinh ra nhưng đầy trọng trách trong cuộc đời hiện hữu. Dũng cảm sửa chữa khuyết điểm của tạo hoá và xã hội là cách thức lợi ích nhất để giúp bản thân cảm nhận vẻ đẹp cuộc sống! |
Rắc rối quá, y học!
Y học vốn phức tạp. Tiếng Việt bản thân đã “bão táp”. Thuật ngữ y học lại càng rắc rối. Ngay cả thầy thuốc cũng không am hiểu lắm ngoài chuyên khoa của mình; vì vậy, xin đừng ngại hỏi về bất cứ thắc mắc nào. Hỏi là một trong những cách giúp người bệnh và người nhà tiết kiệm chi phí, giúp sức khoẻ tim mạch cải thiện và giảm những lo lắng vu vơ, đôi khi nguy hiểm. Ông bà từng khuyên:”Không biết thì hỏi” đó thôi!
Hãy tin tưởng thầy thuốc của mình!
Ngày mai trời lại sáng!
Ngày mai trời lại sáng!
Bài "Cao huyết áp"
Theo Y khoa .net
Theo Y khoa .net
Post a Comment