CÁCH ĐIỀU TRỊ VIÊM DA CƠ ĐỊA DỊ ỨNG
Hỏi: Chào bác sĩ, vào mùa hè da em thường bị dị ứng đỏ và ngứa để lại vết thâm ở vùng đùi và bắp tay khiến em mất tự tin khi mặc váy. Đã đi khám thì bác sĩ kết luận em bị viêm da do cơ địa dị ứng, em bị bệnh này từ nhỏ. Bác sĩ cho em hỏi có cách nào chữa bệnh ngoài da này không ạ? Em cảm ơn (Linh Linh)
Trả lời:
Chào bạn Linh, cảm ơn bạn đã gửi thắc mắc tới hòm thư tư vấn cùng độc giả, chúng tôi xin trả lời bạn như sau:
Bệnh viêm da do cơ địa dị ứng là một bệnh về da mạn tính. “Cơ địa dị ứng” liên quan đến những bệnh có tính chất di truyền: bệnh hen, bệnh sốt mùa hè và viêm da dị ứng rải rác.
Bệnh viêm da do cơ địa dị ứng thường xảy ra ở trẻ nhỏ và cũng có thể diễn biến ở tuổi trưởng thành và biểu hiện là ngứa, da bị viêm.
Viêm da do cơ địa dị ứng và cách điều trị?
Cách điều trị bệnh viêm da do cơ địa dị ứng: Để bệnh nhanh khỏi cần phải xác định rõ nguyên nhân gây bệnh và tránh tiếp xúc với nó.
Những loại thức ăn làm nặng bệnh cần phải được loại trừ khỏi chế độ ăn của người bệnh, ở trẻ em cần lưu ý có các thức ăn thay thế để tránh cho trẻ bị suy dinh dưỡng.
Trong trường hợp bụi nhà là thủ phạm cần khuyên người bệnh lau rửa giường, thay ga đệm hằng tuần, dùng quạt gió để giảm độ ẩm trong nhà… Tránh các sang chấn tình cảm ảnh hưởng đến viêm da cơ địa. Không giống như trong hen phế quản và viêm mũi dị ứng, các biện pháp điều trị giảm mẫn cảm đặc hiệu không có hiệu quả với viêm da cơ địa.
Glucocorticoid: bôi tại chỗ thường được sử dụng 2 lần mỗi ngày trong giai đoạn cấp. Sau khi bệnh đã được kiểm soát, có thể bôi cách ngày hoặc hai lần mỗi tuần tại nơi tổn thương để ngăn ngừa bệnh tái phát.
Tác dụng phụ của glucocorticoid bôi tại chỗ tùy thuộc vào cường độ tác dụng và thời gian sử dụng thuốc, thường gặp nhất là rạn da, nổi trứng cá, giãn mạch, teo da… Những loại glucocorticoid có tác dụng mạnh chỉ nên dùng trong thời gian ngắn và tại những vùng dày sừng, không được dùng ở mặt và những vùng da mỏng.
Chiếu tia cực tím tại chỗ: được sử dụng trong những trường hợp nặng và không đáp ứng với các điều trị bằng thuốc. Tác dụng phụ hay gặp là nổi ban đỏ, rát và ngứa da, rối loạn sắc tố.
Thuốc kháng histamin: chủ yếu được dùng với mục đích giảm ngứa. Do ngứa thường tăng lên về đêm nên có thể sử dụng các loại thuốc kháng histamin có tác dụng an thần vào tối trước khi đi ngủ.
Ngoài ra, có thể dùng thuốc Glucocorticoid đường uống hoặc tiêm. Với loại thuốc này, dù cải thiện tốt các triệu chứng lâm sàng nhưng ít khi được sử dụng do bệnh thường tái phát mạnh hơn sau khi ngưng thuốc. Trong những trường hợp bệnh nặng, không đáp ứng với các điều trị tại chỗ, có thể dùng một đợt glucocorticoid đường uống ngắn ngày nhưng phải lưu ý giảm dần liều trước khi cắt.
Bạn đã đi khám bác sĩ vậy bạn nên tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ nhé.
Chúc bạn nhanh khỏi!
Post a Comment