ĐẶC ĐIỂM CỦA BỆNH VIÊM DA CƠ ĐỊA
Viêm da cơ địa là một tình trạng viêm da mạn tính, tái phát do nhiều cơ chế sinh bệnh kết hợp bao gồm sự tương tác giữa các tình trạng đáp ứng miễn dịch trên nền tảng cơ địa và các yếu tố gây tổn thương hàng rào bảo vệ của da cùng với các yếu tố kích thích từ môi trường bên ngoài cơ thể.
Đặc điểm cơ bản của tổn thương da là các mụn nước tập trung thành đám trên nền da đỏ, có thể rỉ dịch, chảy nước, sau đóng vảy tiết, dày da và liken hóa. Người bệnh thường rất ngứa. Điều trị bệnh giảm nhưng không khỏi hoàn toàn, tiến triển dai dẳng, nhiều đợt tái phát nên chi phí điều trị cao, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý bệnh nhân. Vì vậy, cần kết hợp điều trị đúng cách kèm theo các biện pháp phòng bệnh, tránh các đợt tái phát và vượng bệnh, đặc biệt trong mùa đông, là điều rất quan trọng. Tùy thuộc giai đoạn bệnh, thể bệnh, mức độ bệnh, các yếu tố kích hoạt… để áp dụng phương pháp điều trị phù hợp.
Sử dụng các loại thuốc giữ ẩm, mềm da, dịu da giúp khôi phục hàng rào bảo vệ da, chống ngứa. Đây là yếu tố điều trị và duy trì rất quan trọng và luôn cần thiết trong điều trị viêm da cơ địa. Các loại cream, mỡ giữ ẩm giúp cho da không bị mất nước, không bị khô, nứt nẻ, giúp phục hồi da. Nhóm thuốc này rất quan trọng trong mùa đông lạnh. Có thể dùng các loại như: mỡ vaselin, cream urea… bôi ngày 3-4 lần hoặc bôi bất cứ lúc nào da bị khô.
Ảnh minh họa
Thuốc kháng histamin có tác dụng chống ngứa, cắt đứt vòng xoắn gãi – ngứa – gãi. Nhóm thuốc này thường dùng đường uống, có cả dạng siro cho trẻ em, dạng viên cho người lớn, với 2 thế hệ: kháng histamin thế hệ 1 như chlopheniramin, hydroxyzin, promethazin dùng vào buổi tối. Thuốc này có tác dụng phụ gây buồn ngủ vì vậy không được dùng cho người lái tàu xe, vận hành máy móc, không nên uống ban ngày. Thế hệ 2 như các thuốc: loratadin, certirizin, fexofenadin… có thể uống ban ngày, tuy nhiên tác dụng chống ngứa và chống dị ứng kém hơn thế hệ 1.
Trường hợp viêm da cơ địa có nhiễm khuẩn cần sử dụng thêm kháng sinh. Người ta thấy tại tổn thương viêm da cơ địa có rất nhiều tụ cầu, vì vậy có thể dùng các thuốc kháng sinh bôi như: fucidin, neomycin, mupirocin… hoặc uống như oxacillin, cloxacillin, cephalexin…
Các biện pháp giảm stress, an thần cũng góp phần giảm bệnh. Các thuốc kháng histamin thế hệ 1 gây buồn ngủ thường được dùng để vừa làm giảm ngứa, lại vừa ngủ được.
Corticosteroid có tác dụng giảm viêm nhanh, mạnh, giảm bệnh nhanh chóng. Tuy nhiên, cần lưu ý tác dụng phụ toàn thân và tại chỗ. Nếu dùng kéo dài hoặc không đúng cách đường toàn thân có thể gây suy thượng thận, tăng huyết áp, đái tháo đường, loét dạ dày, loãng xương… Tại chỗ có thể gây: teo da, mỏng da, rạn da. Khi dùng corticoid bệnh giảm nhanh nhưng tái phát cũng nhanh và có thể gây phụ thuộc thuốc khi sử dụng lâu dài.
Methotrexate có thể dùng trong trường hợp nặng, không đáp ứng với các thuốc khác. Tuy nhiên, thuốc nhiều tác dụng phụ và độc tế bào nên phải cân nhắc kỹ giữa lợi ích và tác dụng phụ khi điều trị. Thuốc có thể gây nôn, kích ứng dạ dày, loét tiêu hóa, độc với gan, thận, Thiếu máu, rối loạn đông máu, xơ phổi kẽ, nguy cơ nhiễm trùng thứ phát.
Cyclosporin A là thuốc ức chế calcineurin cũng có chỉ định trong trường hợp viêm da cơ địa dai dẳng hoặc thất bại khi điều trị bằng thuốc khác. Thuốc chỉ dùng toàn thân, đường uống. Tại chỗ không tác dụng vì hầu như không thấm qua da. Tác dụng phụ có thể gặp: với thận: suy thận; với tim mạch: tăng huyết áp; với tiêu hóa: nôn, buồn nôn; với thần kinh: đau đầu, chóng mặt; ngoài ra còn có nguy cơ ung thư: nội tạng, lympho, da.
Điều trị bệnh viêm da cơ địa có nhiều lựa chọn, tuy nhiên phải rất thận trọng khi dùng nhóm thuốc ức chế miễn dịch vì có nhiều tác dụng phụ. Để đề phòng bệnh bùng phát, vượng bệnh thì cần giữ ẩm cho da thật tốt bằng các chất dưỡng da, giữ nước, nhất là vào mùa đông. Không nên mặc đồ len dạ, nilon mà nên mặc đồ bằng coton. Tránh thức ăn gây dị ứng. Không cào gãi làm trầy xước da, không tắm rửa nhiều lần trong ngày, tránh tiếp xúc với xà phòng, chất tẩy rửa. Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Post a Comment