Y HỌC VỚI BỆNH VIÊM DA CƠ ĐỊA


VIÊM DA CƠ ĐỊA
CHĂM SÓC BỆNH NHÂN BỊ VIÊM DA CƠ ĐỊA
MỤC TIÊU HỌC TẬP

            1. Mô tả được tiến triển chứng và đặc điểm lâm sàng của viêm da cơ địa.
            2. Trình bày được kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm da cơ địa.

NỘI DUNG HỌC TẬP

1.  Khái niệm
            Viêm da cơ địa là biểu hiện ngoài da của cơ địa atopy. Theo thống kê hàng năm của ngành Da liễu bệnh chiếm từ 20 - 25% tổng số các bệnh ngoài da. Bệnh hay gặp ở trẻ từ 2 - 24 tháng tuổi, tuy nhiên cũng có thể gặp ở thanh thiếu niên và người lớn. Theo Degos.R trẻ dưới 7 tuổi chiến từ 80 - 90% và khoảng 10% kéo dài đến tuổi trưởng thành.
            Bệnh tuy không gây tử vong nhưng gây ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt, tâm lý và năng suất lao động của người bệnh. Tỷ lệ bệnh ngày càng tăng do nhiều lý do khác nhau như sự xuất hiện các dị nguyên trong không khí ngày càng tăng, sử dụng hoá chất trong đời sống sinh hoạt ngày càng nhiều (Lê Kinh Duệ - Nội san Da liễu Số l/2000).
2. Nguyên nhân và căn sinh bệnh học: Viêm da cơ địa là một phản ứng viêm, bệnh phát sinh dựa vào 2 yếu lố là tác nhân kích thích và cơ địa dị ứng.
2.1. Tác nhân kích thích (dị ứng nguyên)
            - Tác nhân ngoại giới: gồm các yếu tố tác động từ bên ngoài vào cơ thể con người (yếu tố vật lý hoá học, sinh học...)
            - Tác nhân nội giới: Gồm tất cả các rối loạn chức phận nội tạng (bệnh tiêu hoá, nội tiết...) đều có thể là nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp gây nên bệnh viêm da cơ địa.
2.2. Cơ địa dị ứng
            Dù nguyên nhân ngoại giới hay nội giới đều liên quan đến cơ địa đặc biệt của cơ thể dẫn đến phản ứng dị ứng.
2.3. Sự liên quan đến gen di truyền
            Trên thực tế bệnh có tính chất gia đình rõ rệt: Nếu cả bố và mẹ đều bị bệnh dị ứng thì 75% con cái của họ bị viêm da cơ địa, nếu chỉ có mình bố hoặc mẹ thì tỷ lệ này là 58%
2.4. Sự liên quan đến gen bệnh
            Gần đây người ta đã phát hiện ra các gen có liên quan tới bệnh nhân viêm da cơ địa như gen của các Cytokines IL4, IL5; gen Chymase của dưỡng bào Mastocyte, gen của thụ thể
IL4 hoặc chuỗi β có thụ thể ái tính với IgE, thụ thể này không có ở trên da người bình thường, còn da tại vùng tổn thương của bệnh nhân viêm da cơ địa, thụ thể này tăng cao.
3. Tiến triển chung của viêm da cơ địa
3.1. Giai đoạn tấy đỏ: Bệnh nhân có cảm giác ngứa dấm dứt trên da, sau đó nổi ban đỏ hoặc đám dát đỏ, hơi cộm, ranh giới không rõ rệt kèm theo có phù nhẹ.
3.2. Giai đoạn mụn nước: Trên dát đỏ xuất hiện mụn nước nhỏ ly ty như hạt kê, hạt tấm kích thước từ 1- 2mm. Mụn nước rất nông chứa dịch trong, sắp xếp thành mảng dày chi chít, rất ngứa.
3.3. Giai đoạn chảy nước: Mụn nước tự vỡ hoặc do bệnh nhân gãi, chảy dịch dính nhớp, có khi dàn dụa trên bề mặt tổn thương. Tại mụn nước vỡ để lại vết chợt nhỏ, nông dịch chảy ra liên tục (hiện lượng giếng chàm).
3.4. Giai đoạn đóng vảy tiết: Chất dịch khô lại đóng thành vảy tiết màu vàng nhạt, vảy mỏng có thể tự bong ra hoặc bong do gãi.
3.5. Giai đoạn lên da non: vảy tiết bong đi để lại lớp da mỏng, dần dần trên lớp da non mới
tái tạo bị rạn nứt gây bong vảy da như phấn, như cám, hết đợt này đến đợt khác. Cuối cùng da trở lại mền mại như bình thường.
4. Lâm sàng
4.1.Viêm da cơ địa ở trẻ hài nhi và ấu thơ: Thường gặp ở trẻ từ vài ngày tuổi đến 24 tháng tuổi với tổn thương là dát đỏ trên có nhiều mụn nước nhỏ li ti tập trung thành từng đám, dập vỡ chảy dịch dính nhớp, có thể có mủ, có vảy tiết nếu nhiễm trùng thứ phát. Vị trí lúc đầu ở một bên má sau lan sang má bên kia, đối xứng hình cánh bướm (trừ sống mũi và mồm), tổn thương lan lên trán tạo thành hình móng ngựa, tổn thương có thể ở quanh miệng, cằm, cổ, đầu, thân mình. Bệnh có thể tự khỏi khi trẻ sau 2 tuổi.
4.2. Viêm da cơ địa ở trẻ em và thanh thiếu niên: Xuất hiện ở trẻ trên 2 tuổi đến tuổi dậy thì. Tổn thương ở má, trán hoặc ở khoeo chân, khuỷu tay, đầu gối, có tính chất đối xứng.
            Ngoài tổn thường là mụn nước, dát đỏ còn có sẩn huyết thanh, da khô, dày da liken hoá (hằn cổ trâu)
4.3. Viêm da cơ địa ở người lớn: Bệnh xuất hiện từ bé, tái phát nhiều lần, tổn thương còn ít chủ yếu là dày da, thâm da, liken hoá, khu trú ở khoeo chân, khuỷu tay, đối xứng. Bệnh nhân thường kèm theo bị các bệnh dị ứng khác như hen phế quản, dị ứng thời tiết, dị ứng thức ăn.
5. Chẩn đoán
5.1. Chẩn đoán xác định
            - Ở hài nhi hoặc ấu thơ: đám da đỏ, mụn nước nhỏ li ti, đối xứng 2 bên má, tổn thương có thể ở trán, cằm.
            - Ở trẻ em hoặc thanh thiếu niên: mụn nước, sẩn huyết thanh, đối xứng 2 má, 2 cẳng tay, cẳng chân.
            - Ở người lớn: da dày, thâm, đối xứng, ngứa dai dẳng, có thể kèm theo bệnh dị ứng khác.
5.2. Chẩn đoán phân biệt
            - Ghẻ: Tổn thương là mụn nước trong, bóng rải rác ở vùng da mỏng, da non. Có luống ghẻ, khều được cái ghẻ, có yếu tố dịch tễ.
            - Tổ đỉa: Tổn thương là mụn nước ở sâu, cứng chắc khó vỡ và có thể tự tiêu. Vị trí ở lòng bàn tay bàn chân hoặc rìa các ngón tay, ngón chân
            - Hắc lào: Tổn thương là dát đỏ hình tròn, hình bầu dục, ở rìa tổn thương có mụn nước, ở giữa có xu hướng lành, hay gặp ở vùng da ẩm, ứ đọng mồ hôi.
6. Điều trị
6.1. Nguyên tắc điều trị
            - Tuỳ từng giai đoạn của bệnh mà dùng thuốc điều trị tại chỗ cho thích hợp.
            - Phối hợp điều trị tại chỗ và điều trị toàn thân.
            - Hạn chế các kích thích da
            - Nếu có điều kiện thì dùng các liệu pháp làm thay đổi cơ địa của bệnh nhân
5.2. Điều trị cụ thể
* Tại chỗ:
            - Giai đoạn cấp tính (đỏ rực, phù nề, chảy nước): dùng dung dịch Jarish hoặc dung dịch KMnO4 1/8000- 1/10.000 ngâm hoặc đắp tổn thương sau đó bôi dung dịch màu như: xanh Methylen, tím Gentian...
            - Giai đoạn bán cấp (da hết phù, đỏ ít, chảy nước ít): Bôi kem Flucinar, kem Gentnsone, kem kẽm.
            - Giai đoạn mạn tính (dày da, thâm da, ngứa dai dẳng): dùng thuốc bạt da mền vảy như: Bensosaly, Salisile, Diprosalic, Goudron
* Toàn thân:
            - Dùng kháng Histamin tổng hợp như: Chlopheniramin, Dimedrrol, Citinzin...
            - Giải mẫn cảm: Histaglobin, Canxiclorua, máu tự thân
            - Kháng sinh nếu nhiễm trùng.
7. Chăm sóc bệnh nhân
7.1. Với  bệnh nhân là trẻ hài nhi và ấu thơ
7.1.1. Nhận định chăm sóc
            - Tổn thương da tấy đỏ, ngứa
            - Có mụn nước, chảy dịch, có vảy tiết
7.1.2. Chẩn đoán chăm sóc
            - Giãn mạch tại chỗ.
            - Có hiện tượng xốp bào do tăng tiết histamin
7.1.3. Kế hoạch chăm sóc (Mục tiêu chăm sóc)
Cải thiện các dấu hiệu lâm sàng:
                        + Can thiệp hiện tượng giãn mạch và xốp bào
                        + Hạn chế kích thích, chà sát tổn thương.
7.1.4. Thực hiện can thiệp
            - Tại chỗ bằng dùng gạc sạch thấm các dung dịch sát khuẩn như: NaCl 0,9%, KmnO4 1/8.000 - 1/10.000 trong vòng 30 phút, sau đó dùng gạc sạch thấm khô bôi tổn thương bằng các dung dịch màu sát khuẩn như xanh methyle 2%, milian....
            - Thuốc bôi tại chỗ phải tuỳ thuộc vào giai đoạn, không nên dùng thuốc bôi có nồng độ cao hoặc bôi trên diện rộng, đặc biệt là trẻ em
            - Các thuốc có thành phần corticoide không nên bôi kéo dài
            - Theo dõi tiến triển của đỏ da, số lượng dịch tiết, mức độ dày da và cảm giác ngứa, phát hiện các biến chứng (nếu có) như nhiễm trùng thứ phát, viêm cầu thận kịp thời báo cho Bác sỹ.
            - Thực hiện dùng kháng sinh và kháng histamin theo y lệnh
7.1.5. Đánh giá kết quả
            - Da nhạt màu dần, đỡ ngứa
            - Mụn nước và dịch tiết ngày càng ít.
            - Da khô, tróc vảy da, không có tổn thương mới xuất hiện
7.3. Với bệnh nhân là người tớn
7.31. Nhận định chăm sóc
            - Tổn thương da thường mạn tính dày da, thâm da, ngứa dai dẳng
            - Có hiện tượng dị ứng khác kèm theo
7.3.2. Chẩn đoán chăm sóc
            - Dày sưng tại tổn thương.
            - Bệnh dị ứng kèm theo
7.3.3. Kế  hoạch chăm sóc (Mục tiêu chăm sóc)
            - Cải thiện tình trạng bệnh hiện tại:
                        + Hạn chế kích thích, chà sát tổn thường.
                        + Hạn chế dày da tại tổn thương
7.3.4. Thực hiện chăm sóc
            - Tại chỗ bôi hoặc băng bịt bằng mỡ corticoide, mỡ bạt da bong vảy như: benzosaly,
salisilic, fluciar....
            - Thuốc bôi tại chỗ phải tuỳ thuộc vào giai đoạn, không nên dùng thuốc bôi có nồng độ
cao hoặc bôi trên diện rộng.
            - Các thuốc có thành phần corticoide không nên bôi kéo dài
            - Theo dõi mức độ dày da và cảm giác ngứa, phát hiện các biến chứng hoặc các biểu hiện dị ứng khác kèm theo kịp thời báo cho Bác sỹ.
            - Thực hiện kháng histamin theo y lệnh.
7.3.5. Đánh giá kết quả
            - Lớp sừng tại tổn thương mỏng dần, da đỡ thâm, ngứa ít
            - Bệnh lý dị ứng khác được cải thiện tốt hơn
7.4. Theo dõi, tư vấn giáo dục sức khoẻ
            - Giải thích cho người nhà bệnh nhân: bệnh viêm da cơ địa là bệnh hết sức khó khăn và phức tạp trong dự phòng và điều trị bởi vì ngoài các tác nhân gây bệnh, yếu tố cơ địa khó có thể thay đổi được, bệnh hay tái đi, tái lại.
            - Thực hiện vệ sinh trong ăn uống, vệ sinh môi trường và nơi ở xung quanh. Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố kích thích da như các yếu tố vật lý, hoá học...
            - Kiểm tra sức khoẻ định kỳ hàng năm để phát hiện những biểu hiện lâm sàng hay những rối loạn bất thường có thể tương ưng với viêm da cơ địa.
            - Trong quá trình điều trị cần hạn chế gãi hoặc chà sát lên tổn thương, tránh biến chứng tại chỗ

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1 Bộ môn Da liễu, Trường Đại học Y khoa Hà Nội: Bệnh Da liễu, 1994
2. Bộ môn Da liễu, Trường Đại học Y - Dược TP. Hồ Chí Minh: Bệnh Da liễu, 1999
3. Bộ môn Da liễu, Trường Đại học Y Thái Nguyên: Bệnh Da liễu, 2004
4. Vụ Khoa học và Đào tạo - Bộ Y tế. Điều dưỡng học cơ bản - Nxb Y học, 2005
5. S.J Yawalkar; G Blum: Eczema - Basic information for Medical Practition. Switzerland,
1989

Không có nhận xét nào